Bài tập thể dục cho người lười
Mình là người rất lười vận động và cảm thấy như vậy là bình thường. Đôi khi trong những cuộc buôn chuyện cùng bạn bè, mình kể về tính lười đó như một chuyện vui đùa vậy. Tuy nhiên trong khoảng 5 năm trở lại đây, tính lười vận động đó đã để lại hậu quả: tâm hồn 18 mà thể chất đã 40 (hay 60-70). Khi cơ thể không khỏe mạnh, mình thường có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Lúc này mình bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ và hành động để cải thiện từng chút một cho bệnh lười này. Dưới đây là các bài tập đơn giản mà mình đang thực hiện và duy trì hàng ngày. Mình không chọn các bài tập phức tạp hoặc đòi hỏi quá nhiều nỗ lực. Với người lười, chỉ riêng việc khiến họ nhúc nhích và duy trì nhúc nhích đều đặn cũng là tốt lắm rồi.
Đầu tiên là bài tập “Suối nguồn tươi trẻ”.
Khi được người bạn đồng nghiệp (chính là cô bạn hướng dẫn mình các món về mơ) giới thiệu bài tập này, mình lúc ấy khá hờ hững. Tên bài tập khiến mình không thiện cảm, lòng thầm nghĩ chắc là chém gió! Không mở lòng với cái mới đôi khi cản trở mình trong nhiều việc. Khoảng 3 năm sau – khi những cơn đau lưng ngày càng dày lên và cản trở hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mình cảm thấy cần làm gì đó. Đi đến các phòng tập hay các bài tập vận động mạnh không phù hợp với mình. Mình nhớ tên bài tập mà bạn đã hướng dẫn, mình lên YouTube tìm và tập theo. Mình không đánh giá, phán xét gì về bài tập, chỉ cố gắng duy trì và lắng nghe cơ thể mình. Bài tập có 5 động tác, mỗi động tác được khuyên lặp lại 21 lần. Hiện tại, mình chỉ lặp lại được 9 lần với mỗi động tác. Tuy nhiên mình chú ý việc hít thở – cách hít thở của bài tập này khá giống lời khuyên trong cuốn sách về sức khỏe mà mình từng đọc. Có thể với ai đó việc tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi sáng không có gì khó khăn, nhưng duy trì 15 phút với mình đã là sự cố gắng. Mỗi người có một giới hạn nhất định, tự thân mình biết có thể cố gắng từng bước một đến đâu là phù hợp. Các bạn hãy lên Google tìm thử nhé! Bài tập này không cần phương tiện gì đặc biệt ngoài một chiếc thảm tập yoga (nếu không có thì dùng tấm chăn mỏng cũng được).
Bài tập đơn giản thứ hai là đi bộ.
Cảm hứng bài tập này đến với mình khi nhìn vào tấm gương sếp cũ của mình. Chị hơn mình 4 tuổi nhưng khỏe hơn mình nhiều. Có lần đi công tác bên Nhật cùng chị, sáng sớm nào chị cũng dậy từ 5h để tập thể dục. Chị đi băng băng đằng trước, còn mình lút cút chạy theo sau. Hôm đi chơi cùng nhóm bên đó, có lúc phải chạy bộ đến ga cho kịp giờ tàu mà mình cảm giác như tắc thở, còn chị thì nhẹ nhàng như không vậy. Nhiều lần chị khuyên mình chạy bộ hoặc đạp xe. Nhưng tảng đá lười như mình vẫn nằm im. Cuối cùng chị bảo, không chạy thì đi bộ cũng được. Sau khi nghỉ làm công ty cũ, mình đã thực hành đi bộ mỗi sáng. Khuôn viên chung cư mình ở khá nhỏ hẹp, không có chỗ đi bộ hay đi dạo. Vì vậy mỗi sáng, hai vợ chồng mình lại cùng nhau đi qua các khu chợ dân sinh, rồi ghé vào khu đô thị gần nhà. Khu vực đó nhiều cây và yên tĩnh. Mình cảm thấy rất vui vì kéo được ông chồng béo của mình đi bộ cùng.
Bài tập cuối cùng – bài tập đơn giản nhất: Vận động nâng hạ gót chân.
Bài tập này mình đọc được trong cuốn sách “Lưu thông máu tốt hóa giải bách bệnh” – tác giả Akiyoshi Horie. Đây là cuốn sách về đông y, cách diễn đạt dễ hiểu và gần gũi. Có lẽ nội dung cuốn sách tập trung về chăm sóc sức khỏe cho nữ giới nên khi đọc cảm giác thân thuộc. Theo cuốn sách, bắp chân được coi là trái tim thứ hai của cơ thể. “Khi chúng ta không đi bộ thì trái tim thứ hai này cũng ngừng hoạt động” (trích từ trang 162 – dòng thứ 4 của cuốn sách). Mình không có kiến thức về y học nên mình không tranh luận gì về nội dung này, nhưng mình cảm thấy cách phân tích của tác giả hợp lý. Quan trọng hơn hết là bài tập đề xuất rất phù hợp cho người lười. Nếu đến cả đi bộ cũng không thực hiện được thì đứng im tập thể dục cũng quá tốt. Các bước thực hiện như sau:
1. Đứng trên đầu ngón chân.
2. Trong trạng thái kéo căng cơ như vậy, từ từ nâng hạ gót chân (khoảng 5 giây).
3. Mỗi đợt thực hiện 30 lần và mỗi ngày nên thực hiện khoảng hai đợt, chia đều vào buổi sáng và buổi tối.
Mình đã tập thử và thấy thú vị vì bắp chân của mình sau khi tập cứ như thể vừa đi chạy ở đâu về. Bắp chân cũng có cảm giác cứng mỏi như chạy/đi bộ vậy. Mình hướng dẫn bài tập này cho cô em gái siêu lười của mình. Khi tập nó cũng có cảm giác như vậy. Mình up ảnh về hai cuốn sách của tác giả Akiyoshi Horie ở bên dưới. Nếu bạn nào quan tâm thì có thể tìm đọc. Hai cuốn sách tập trung viết về cải thiện sức khỏe cho nữ giới.
Mình vẫn đang trong quá trình tập luyện và lắng nghe cơ thể mình. Sự chuyển biến chậm và chưa rõ ràng. Tuy nhiên tần suất đau lưng của mình đã giảm đi. Hi vọng mình có thể kiên trì để cải thiện sức khỏe cho bản thân.
THE END.