Kombucha
Mình biết đến kombucha lần đầu tiên thông qua một chương trình ẩm thực châu Á trên ti vi. Mình chú ý vì đó là món đồ uống liên quan đến trà (thức uống ưa thích của mình) và cách làm có vẻ đơn giản. Nhưng có một vấn đề khó khăn với mình là làm sao tạo ra con men đầu tiên. Mình tìm kiếm thử trên internet thì họ có bán sẵn, tuy nhiên mình vẫn lăn tăn về nguồn gốc của con men đó. Rồi đột nhiên một ngày cô bạn hay chơi với mình up lên Facebook thành quả kombucha tự làm. Mình phấn khởi xin con men và cũng thử làm xem sao.
Khi làm kombucha, mình khá lo lắng về nấm mốc hoặc nhiễm khuẩn gì đó gây đau bụng. Sau vài lần thử nghiệm, chưa một lần mốc và chưa từng đau bụng thì mình thấy cũng không cần quá cầu kì về khử trùng, chỉ cần chú ý một vài điểm sau:
1. Bình đựng: dùng lọ/hũ thủy tinh, tráng/luộc qua nước sôi trước khi sử dụng.
2. Thìa, đũa, vật dụng: nên dùng đồ gỗ. Có đôi lúc cần san nước thì mình vẫn dùng muôi inox to.
3. Nước: dùng nước đã qua máy lọc. Trước khi cho con men vào thì cần chờ nước trà nguội hẳn.
4. Đường: nhiều đường thì sẽ nhiều ga.
5. Con men: là tập hợp khuẩn sống nên nó cần oxi, do đó không nên đóng nắp kín hoàn toàn bình đựng, nên dùng vải sạch bịt nắp bình để tránh bụi/côn trùng. Con men ban đầu có thể xin từ bạn bè hoặc mua.
6. Thời gian: không có thời gian cố định nào để ủ con men. Độ chua của kombucha sẽ tùy theo khẩu vị mỗi người. Khi nào đạt đến độ chua ưa thích của bạn thì đó là lúc có thể thu hoạch sản phẩm.
7. Nhiệt độ: thời tiết nóng sẽ nhanh lên men, nhanh chua hơn. Mùa hè thì tầm 2-3 ngày kombucha sẽ có vị chua. Mùa đông thì cần chờ khoảng 1 tuần.
8. Trà mồi: là nước trà đã nuôi con men một thời gian lâu, thường là nước của lần làm kombucha trước đó. Trà mồi có vị chua gắt như giấm. Khi làm kombucha mình không quá chú ý lượng trà mồi, có thể cho tùy vào lượng bạn có hoặc bạn thích. Nếu ít trà mồi thì cần chờ lâu hơn để trà đạt được vị chua.
9. Loại trà: có thể dùng nhiều loại trà khác nhau để làm kombucha. Mình đã thử vài loại và đều thấy ổn. Các loại mình đã thử bao gồm trà san tuyết (nó gần giống loại trà mạn các cụ hay dùng), trà phổ nhĩ, trà đen.
10. Nhận biết nấm mốc: nếu xuất hiện các mảng đốm đỏ/xanh/đen thì khả năng đã bị mốc. Không nên giữ lại mà nên đổ đi để làm mẻ khác.
11. Lọc trà: nếu muốn có thành phẩm kombucha “trong sạch” thì khi thu hoạch bạn hãy lọc qua một cái rây để loại bỏ cặn bẩn.
12. Vệ sinh con men: con men nuôi lâu có thể bị cặn bám, cảm giác không sạch sẽ. Khi nào dùng đến, bạn hãy đeo găng tay nilon và bỏ con men vào bát nước sạch, rửa cho trắng trẻo trước khi làm mẻ kombucha mới.
13. Công thức tham khảo: dưới đây là link tham khảo khi mình làm kombucha lần đầu.
https://hellobacsi.com/an-uong-lanh-manh/cong-thuc-nau-an-tot-cho-suc-khoe/cach-lam-kombucha/
14. Một số hình ảnh về quá trình mình làm kombucha.
Với mình, quá trình làm kombucha khá giống như trồng cây hay nuôi thú cưng vậy. Mình ra ngó vào trông, xem mỗi ngày nó diễn tiến như thế nào, chụp lại ảnh quá trình để kiểm chứng thành phẩm. Mỗi loại trà sẽ cho ra thành phẩm có màu sắc và hương vị khác nhau. Trà mạn san tuyết khiến kombucha có vị chua hơi chát, con men trắng trẻo. Trà phổ nhĩ màu đẹp long lanh, thành phẩm kombucha không còn mùi nồng đượm gỗ/thảo mộc của trà, thay vào đó là vị dịu dàng khó tả, không chua rõ. Trà đen màu cũng đẹp gần giống màu trà phổ nhĩ, nhưng lên men vị chua gần giống trà mạn và không chát nhẹ như trà mạn. Khi bạn ủ lên men lâu thì kombucha sẽ gắt cay như kiểu coca cola, khi uống phải chậm chậm thưởng thức. Bạn thử đi, sẽ rất thú vị đấy!
Hết.