” Gánh gánh … gồng gồng…” – Tác giả: Xuân Phượng

Mình biết đến bà Xuân Phượng và cuốn hồi ký của bà khi nghe một chương trình podcast trên “Have a sip” của Vietcetera. Giải thích thêm một chút, Vietcetera là một ứng dụng chuyên về podcast, bạn có thể download về và nghe khi rảnh rỗi. Mình đặc biệt thích chương trình “Have a sip”.

Khi nghe cuộc trò chuyện của bà Xuân Phượng, mình ấn tượng sâu sắc bởi bà đã lớn tuổi (hơn 90 tuổi) nhưng giọng còn khỏe, cách nói chuyện gần gũi chân thành, không có cảm giác xa cách về thế hệ cũng như tuổi tác. Mình đã khóc không chỉ một lần vì xúc động. Mình chưa từng biết đến bà trước đây nên sau chương trình podcast đó, mình rất tò mò muốn đọc cuốn hồi kí của bà.

Cuốn hồi kí khá dày dặn, ghi lại cuộc đời bà từ khi còn là một cô gái nhỏ đến khi trở thành một người vợ, người mẹ, người bà. Vì đây là hồi kí nên có lẽ nó sẽ mang nhiều màu sắc, góc nhìn cá nhân của bà. Mình chưa từng trải qua giai đoạn lịch sử của bà, không có nhiều kiến thức lịch sử cũng như thông tin về các nhân vật mà bà nhắc đến. Do đó mình không thể đánh giá tính đúng sai của cuốn hồi kí. Đối với mình, cuốn hồi kí này gần như một bộ phim tài liệu có tính chất văn học, vừa có tính lịch sử thời cuộc vừa có tính lãng mạn. Chỉ trong hai ngày cuối tuần mình đã đọc xong cuốn sách. Mình đã khóc nhiều lần vì những gian khó bà trải qua, khóc vì thương và cả khâm phục nghị lực của người phụ nữ trong chiến tranh. Con đường bà lựa chọn khác biệt hoàn toàn với gia cảnh. Nhưng bằng cách nào đó, niềm tin dấn thân của tuổi trẻ và sức mạnh sinh tồn đã giúp bà vượt qua hai cuộc chiến khốc liệt của dân tộc. Mình ấn tượng với cách bà xoay xở, thích nghi với hoàn cảnh. Nhiều đau đớn, khổ cực cả về thể xác và tâm hồn nhưng người phụ nữ ấy không từ bỏ, không than thân trách phận. Có thể đó là phẩm chất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh lịch sử ấy. Nhờ có cuốn hồi kí này mình có cái nhìn rõ hơn, chân thật hơn về những con người tưởng chừng chỉ được biết qua sách báo. Khi đứng ở những chiến tuyến khác nhau, khi sống trong hoàn cảnh khác nhau thì có thể chúng ta sẽ có cái nhìn khác nhau về ý nghĩa của cuộc chiến tranh. Nhưng chúng ta đều hiểu cái giá của hòa bình thật sự đắt giá, chúng ta đã phải trả bằng máu và nước mắt của bao nhiêu thế hệ cha anh. Cuốn sách này tuy là hồi kí cá nhân nhưng có rất nhiều sự kiện lịch sử mà không một chương trình giáo dục nào trong nhà trường có thể truyền tải được. Bạn nên đọc để cảm nhận.

Điều đặc biệt của cuốn hồi kí này là nó nhắc đến những câu chuyện giản dị về những nhân vật mà trước nay mình chỉ biết qua sách báo. Nó không tô hồng mà phản ánh một góc nhìn khác – rất đời. Bạn có thể hình dung một vị lãnh tụ, một vị đại tướng, hay một nghệ sỹ tài hoa trong giai đoạn lịch sử đó sẽ có cách nói chuyện hay cư xử như thế nào không?

Trên báo đài chắc các bạn sẽ chỉ nghe về “Bác và các cháu …”. Nhưng cũng có lúc Bác phê bình thẳng thắn như vậy đấy.
Một vị đại tướng quan tâm sâu sát đến đời sống chiến sỹ.

Đối với mình – một sinh viên của BKHN, chỉ biết tên các hiệu trưởng “trong truyền thuyết” thông qua tên đường hay thông qua các diễn văn ở trường thì khi đọc đến những trang sách viết về các thầy, mình cảm thấy thật xúc động. Một sự gần gũi khó diễn tả.

Thầy Tạ Quang Bửu và Trần Đại Nghĩa là hai hiệu trưởng của đại học BKHN thời kì đầu. Tên các thầy được đặt cho hai con đường ở gần trường.

Giai đoạn cấp hai mình có điều kiện học trong môi trường liên quan nhiều đến văn thơ. Được học được đọc nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng. Đến giờ mình vẫn còn nhớ vài cái tên. Cuốn hồi kí này nhắc đến nhiều tác giả quen thuộc khiến mình bất ngờ và cảm thất rất thú vị.

Bạn nhận ra bao nhiêu tác giả nổi tiếng trong trang sách này?
Tình người, tình nghệ sỹ trong gian khó thật tử tế, ấm áp.
Giản dị, chân tình, cảm động.
Hai nghệ sỹ nghèo góp vui bằng những bài hát. Món quà quí giá ấy khó có gì đánh đổi được.

Và trong vô vàn những tác gia nổi tiếng mình từng biết qua sách báo, có một họa sỹ mình chưa từng biết tới trước đó. Mình đã rất xúc động khi đọc những trang sách viết về cuộc đời ông. Cái nghèo khó, túng bấn của thời cuộc đã không thể mài mòn tài năng ấy. Tài năng khác biệt, lối đi khác biệt chưa bao giờ dễ dàng dù bạn sống trong bối cảnh lịch sử nào, đặc biệt là giai đoạn chuyển giao sau chiến tranh. Nghị lực sống và đam mê nghệ thuật có lẽ là điểm chung của tác giả cuốn hồi ký và người họa sỹ này. Phải chăng vì lý do đó mà bà Xuân Phượng đã cảm nhận được nét đẹp trong những bức tranh của người họa sỹ ấy. Không biết bao giờ mới có lại buổi triển lãm tranh của người họa sỹ tài hoa này. Mình nhất định sẽ đi xem.

Đôi dòng giới thiệu về họa sỹ Trương Đình Hào.

Trên đây chỉ là vài trang trích dẫn, chưa thể phản ánh đầy đủ nội dung mà cuốn hồi ký muốn truyền tải. Dù đó là câu chuyện cá nhân của tác giả, nhưng bạn hãy thử hòa mình vào đó một lần. Từ những bước chân sáo ngây thơ của một bé gái, đến bước chân hăm hở nhiệt huyết của cô thiếu nữ, rồi thâm trầm – trăn trở của người phụ nữ trưởng thành. Một đời người – gần một thế kỷ – một bộ phim tài liệu bằng chữ rất sống động và để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *