Tự truyện Trần Văn Khê – Những câu chuyện từ trái tim
Mình vô tình bắt gặp cuốn sách cũ trong tiệm cà phê nhỏ. Đọc tên tác giả mình có cảm giác quen quen – như đã từng nghe đến trước đây. Dạo này mình thích nghe người già kể chuyện. Những câu chuyện chân tình, nhiều trải nghiệm của họ khiến mình cảm thấy xúc động và lạc quan.
Cuốn sách gồm 13 câu chuyện nhỏ kể về những dấu mốc trong cuộc đời tác giả. Ngay câu chuyện đầu tiên – [Vượt khỏi bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi], nước mắt mình cứ lặng lẽ rơi khi đọc về hoàn cảnh của anh em tác giả. Có lẽ mình đã liên tưởng sự tương đồng lứa tuổi khi ấy của cậu bé trong cuốn sách với con trai mình. "... Đúng là mồ côi cha mẹ làm cho tôi cảm thấy thiếu tình thương chăm sóc, thiếu sự nâng niu, thiếu cái quyền được dựa vào cha mẹ khi cần thiết, khi thấy bơ vơ, cô độc."
"... Mỗi lần xức dầu Khuynh Diệp, tôi lại nhớ lúc 4, 5 tuổi, tôi bị đau nhức chân tay, được mẹ xức dầu Khuynh Diệp cho. Tôi nhớ cả cách mẹ giáo dục tôi bằng cách cắt nghĩa đúng sai chứ không bao giờ đánh đập con."
"... Tôi hiểu rằng tôi không có quyền đòi hỏi, vòi vĩnh cô bác như đối với cha mẹ."
"... Càng trưởng thành, tôi càng hiểu trong mọi chuyện mình không nên chờ đợi người khác. Những chuyện gì có thể làm được, tôi đều tự làm. Tôi cũng từng nghĩ nếu không mất cha mất mẹ thì có thể cuộc đời của mình đã khác nhưng không thể cứ mãi than khóc cho số phận. Vì như thế chỉ mang cái buồn đến cho mình và những người xung quanh."
Mình rời khỏi quán cafe với tâm trạng bâng khuâng và chụp lại bìa để tìm mua sau. Tuy nhiên cuốn này đã xuất bản khá lâu (từ cuối 2013) nên hiện tại không tìm được bản mới ở hiệu sách. Người bạn cùng nhà đã cố công tìm mua được một cuốn sách cũ từ Sài Gòn cho mình, tiền sách thì ít mà phí vận chuyển thì nhiều.
Các chương còn lại trong cuốn sách tập trung vào những câu chuyện kể về thăng trầm cuộc đời, đặc biệt về tình yêu cũng như sự kiên trì của tác giả đối với âm nhạc dân tộc. Một người sống hời hợt, không đam mê, không hoài bão như mình quả thực không biết dùng từ ngữ gì hay chính xác là không thể nhận xét gì về những câu chuyện ấy. Mình chỉ đọc và đồng cảm cùng tác giả. Trong cuộc đời này chẳng có gì dễ dàng đạt được nếu không bền chí, và đôi khi cần đánh đổi một số thứ. Như đôi lời tác giả gửi gắm: "Những câu chuyện ghi lại trong quyển sách này, chỉ để minh họa những lời tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ, để các bạn có thể tìm được và nhận thức rõ hạnh phúc trong cuộc sống, qua những kinh nghiệm của bản thân. Và tôi tin rằng ai cũng có thể thành công, nếu mình có ý chí".
Một vài trích dẫn từ cuốn sách mà mình ấn tượng.
"Làm công việc nghiêm túc được trả thù lao rất ít. Làm công việc dễ dàng, không mất công nhiều trong các dịch vụ thương mại hay giải trí thì được thù lao cao".
– Đây là tâm sự của tác giả khi so sánh việc mình thông dịch 30 phút được trả 1.000 francs (cũ), hay lồng tiếng phim khoảng 20 câu đối thoại được trả 8.000 francs(cũ); trong khi thuyết trình một buổi khoảng 2 tiếng về âm nhạc chỉ được trả 5.000 francs, còn không kể tốn nhiều thời gian trước đó nghiên cứu và chuẩn bị.
"Để không vui quá đà, không buồn quá sức, tôi nghĩ yếu tố thứ nhứt là phải biết chọn bạn mà chơi ... Yếu tố thứ nhì để không vui quá đà, không buồn quá sức là phải có bản ngã trong đời ... Cô Ba dạy rằng có việc gì cũng cần xem xét cẩn trọng, đừng để có những phản ứng ra ngoài sự kiểm soát của lý trí"
– Tâm sự của tác giả về làm chủ bản thân.
"Nhiều người nước ngoài không biết tiếng Việt, gọi tên tôi không đúng nhưng tôi cũng không thấy phiền, vì chính chúng ta cũng thường phát âm không chính xác hoàn toàn tên của người nước khác".
– Tâm sự của tác giả về tiếng Việt, ông muốn dùng tên gọi thuần Việt của mình thay vì như một số người đặt tên khác bằng tiếng nước ngoài với lý do thuận tiện hơn.
"Tôi thường bảo con: "Trong đời, ba làm về âm nhạc, không vì để cho có danh, để cho có lợi mà vì tình thương âm nhạc, thương người đi học nhạc. Tiền có thể mua được nhiều điều nhưng có một điều tiền không mua được, đó chính là tình thương. Mà muốn có tình thương thì phải bỏ tình thương ra". Trong cuộc sống, tình thương là cho chứ không phải nhận. Và khi cho thì tự nhiên sẽ được trả."
– Đôi lời tác giả gửi gắm cho con về chữ “tâm”.
"Các bạn thấy không, khi nghĩ mình đã làm đúng theo lẽ phải, chúng ta sẽ phải có can đảm một mình chống lại đại đa số ý kiến. Và cũng nhờ có bản lĩnh mà trong cuộc sống chúng ta sẽ có thêm bạn ủng hộ tinh thần và vật chất. ... Tôi nhớ câu của Khổng Tử nói: "Ngã tự kính, nhân tất kính, ngã tự tiện, nhân tất tiện chi", tức là, ta tự kính trọng mình thì được người khác kính trọng, ta tự khinh mình thì người khác sẽ khinh ta"
– Tâm sự của tác giả khi kiên định mặc áo dài biểu diễn âm nhạc dân tộc dù ở bất kì hội nghị quốc tế nào.
P/S:
- Gấp cuốn sách lại, mình vu vơ nghĩ “Chắc hè sang năm mình sẽ cho Minh đi học đàn kìm (đàn nguyệt) nhỉ?”
- Một số hình ảnh minh họa bên trên, bạn cùng nhà đã dùng chat GPT để hỗ trợ mình tạo ảnh dựa trên chú giải tương ứng. Tuy nhiên chat GPT không thể vẽ được hình ảnh đàn nguyệt có bầu tròn như hình dạng mình nhìn thấy trên Google. Có lẽ nó đang truy xuất từ nguồn thông tin khác.